GD&TĐ -Trong kỷ nguyên công nghệ hiện đại, sự phát triển kinh tế số đã tạo ra môi trường đầy tiềm năng cho câu chuyện khởi nghiệp.
Kinh tế số là yếu tố quan trọng giúp các sản phẩm của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trí Đức (Hoài Đức, Hà Nội) phát triển. |
Từ khả năng mở rộng thị trường, thu hút tệp khách hàng đa dạng đến việc tiếp cận nguồn tài chính dễ dàng hơn… kinh tế số đã thay đổi cách các doanh nghiệp lớn nhỏ phát triển và cạnh tranh.
“Chìa khóa” mở rộng thị trường
Trước đây, việc quảng bá hình ảnh sản phẩm đến với người tiêu dùng khắp cả nước đòi hỏi rất nhiều chi phí và thời gian. Tuy nhiên với sự phát triển của Internet và các nền tảng mua bán trực tuyến, các doanh nghiệp nói chung và mô hình nhỏ lẻ khởi nghiệp nói riêng đều có thể tiếp cận khách hàng ở bất kỳ đâu chỉ với một cú “nhấp chuột”.
Ngay từ những ngày đầu mới xây dựng thương hiệu, chị Nguyễn Thị Phương Thảo, Founder/Manager Hộ kinh doanh Vào Bếp 365 (Thanh Xuân, Hà Nội) luôn “chắc nịch” một suy nghĩ là phải lồng ghép kinh tế số vào việc sản xuất và kinh doanh. Chị Thảo cho rằng, ngoài đầu tư vào chất lượng sản phẩm, cũng cần phải học hỏi cách thức bán hàng thì tên tuổi của mình mới có thể đến gần hơn với người tiêu dùng. Trong thời đại 4.0 như ngày nay, không thể chỉ giới thiệu sản phẩm theo những cách truyền thống mà còn cần phải tiếp cận nhanh với các nền tảng số.
Đây không chỉ là cách hội nhập với toàn thế giới, mà còn là “chìa khóa” mở ra nhiều cơ hội lớn cho chính hộ kinh doanh cá thể của mình. Chị Thảo cho biết: “Kinh tế số đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trên hành trình khởi nghiệp của tôi. Từ khách hàng, doanh thu đến uy tín... có được, một phần đều nhờ kinh tế số. Hiện nay, chúng tôi đang hoàn thiện trang web riêng để bắt đầu giới thiệu và bán sản phẩm.
Ngoài ra, các dòng sản phẩm của Vào Bếp 365 đều đã có mặt tại các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, TikTok, Tiki,... và các trang mạng xã hội cũng như tại một số điểm buôn từ nhỏ đến trung bình lớn tại các hộ kinh doanh vùng, tỉnh lân cận. Trung bình mỗi tháng, hộ kinh doanh sản xuất và bán từ 1.500 đến 4.000 sản phẩm tuỳ mùa, với mức doanh thu đạt 80 - 150 triệu đồng/tháng.
Tương tự, nhờ chỉn chu trong khâu sản xuất và nhạy bén trong việc tiếp cận nền tảng số, các sản phẩm từ gừng của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Trí Đức ở xã Dương Liễu, (Hoài Đức, Hà Nội) đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Đến nay, công ty đã mở rộng thị phần của mình qua nhiều nền tảng số khác nhau. Nhờ đó, doanh thu từ các nền tảng online chiếm hơn 40% trên tổng số doanh thu chung của doanh nghiệp.
Giám đốc công ty, anh Nguyễn Phi Hậu chia sẻ: “Là doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ thiên nhiên, trước đây tôi nghĩ mình chỉ nên tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm chứ không cần thiết phải quảng cáo trên các nền tảng số làm gì. Tuy nhiên từ khi sản phẩm của mình đạt OCOP 4 sao năm 2022, thương hiệu còn được nhiều người biết đến hơn nữa.
Nhu cầu người tiêu dùng tăng cao nên việc xây dựng trang web riêng và phủ rộng ở các thanh tìm kiếm trên mạng xã hội là một giải pháp lâu dài giúp khách hàng tiếp cận dễ dàng hơn với sản phẩm của mình; đồng thời đơn vị cũng có thêm lượng khách hàng lớn hơn trên khắp mọi miền đất nước và quốc tế. Kinh tế số được xem như “cầu nối vàng” giúp công ty phát triển đột phá hơn về cả tệp khách hàng lẫn doanh thu”.
Ảnh minh họa ITN.
Tối ưu hóa và thúc đẩy phát triển
Bên cạnh đó, kinh tế số còn giúp doanh nghiệp giảm thiểu đáng kể các chi phí khởi nghiệp. Các dịch vụ điện toán đám mây, phần mềm Saas cùng các công cụ marketing trực tuyến đã giúp doanh nghiệp quản lý công việc hiệu quả hơn, từ đó tiết kiệm cả thời gian và nhân lực.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể sử dụng các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo AI để phân tích dữ liệu, cải thiện dịch vụ khách hàng, tối ưu hóa hoạt động kinh doanh.... Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông - Marketing Dreamer Agency (Hai Bà Trưng, Hà Nội), ông Lê Văn Nam cho biết: “Khi mới bắt đầu khởi nghiệp, chúng tôi không có nhiều vốn. Nhờ vào những công cụ trực tuyến như Canva, Shopify... chúng tôi đã có thể xây dựng một hệ thống quản lý chuyên nghiệp và tạo ra các chiến dịch quảng cáo hiệu quả mà không tốn nhiều chi phí. Điều này thực sự đã giúp doanh nghiệp chúng tôi tồn tại và phát triển trong giai đoạn đầu”.
Những bài học từ các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công cho thấy rằng, bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp cần phải nhạy bén, tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ, đồng thời phải có chiến lược rõ ràng và khả năng thích nghi với môi trường kinh doanh luôn thay đổi như hiện nay. Kinh tế số không chỉ là xu hướng mà là một phần không thể thiếu trong sự phát triển của thị trường khởi nghiệp. Các doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, không ngừng đổi mới để tạo ra những giá trị bền vững và phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Trong những năm qua, Luật Doanh nghiệp được sửa đổi, bổ sung theo hướng cải cách, mang lại luồng sinh khí mới cho môi trường kinh doanh. Cùng với đó là các chính sách như: Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ đã góp phần đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam; Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ ngày 21/4/2023 về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Những chính sách này được đánh giá là sẽ tác động mạnh mẽ đến tinh thần khởi nghiệp của người dân và doanh nghiệp.
Tin liên quan Chắp cánh khởi nghiệp cho sinh viên Khởi nghiệp theo xu hướng: Không phải là 'cuộc dạo chơi'