Hành hạ vợ con có thể bị giám sát điện tử

12/04/2025 09:15

GĐXH - Theo dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ Công an đề xuất hình phạt áp dụng giám sát điện tử với người hưởng án treo về hành vi phạm tội đua xe trái phép; hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu...

Hành hạ vợ, con có thể bị giám sát điện tử

Mới đây, Bộ Tư pháp công bố hồ sơ thẩm định dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) do Bộ Công an soạn thảo.

Theo hồ sơ thẩm định dự án Bộ luật Hình sự, Bộ Công an đề xuất hai hình phạt bổ sung là cấm nhập cảnh và giám sát điện tử. Cụ thể:

Điều 45a dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định cấm nhập cảnh vào Việt Nam có thể được áp dụng đối với người nước ngoài bị kết án.

Điều 45b quy định giám sát điện tử là việc sử dụng thiết bị điện tử để quản lý, giám sát.

"Hình phạt giám sát điện tử được áp dụng để theo dõi đối với người được hưởng án treo, người bị quản chế, cấm cư trú hoặc người được tha tù trước thời hạn có điều kiện về hành vi phạm tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép, ma túy, ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình; phạm tội vì mục đích chống chính quyền nhân dân", nội dung dự thảo nêu rõ.

Căn cứ tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, có thể áp dụng hình phạt giám sát điện tử đối với người đang chấp hành hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung hoặc người được tha tù trước thời hạn có điều kiện về các hành vi phạm tội không thuộc quy định nêu trên.

Bộ Công an cũng đề xuất thời gian áp dụng hình phạt giám sát điện tử không quá thời hạn của án phạt quản chế, cấm cư trú; không quá thời gian thử thách của người bị kết án phạt tù nhưng cho hưởng án treo, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Cũng theo đề xuất của cơ quan soạn thảo, Chính phủ quy định chi tiết thi hành hình phạt giám sát điện tử.

Dự kiến, dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2025).

Hành hạ vợ con có thể bị giám sát điện tử

Ảnh minh họa: AI

Giám sát điện tử là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của người chưa thành niên là bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được giám sát điện tử.

Thế nào là hành vi hành hạ cha mẹ, vợ chồng, con cái?

Tại tiểu mục 7.1 Mục 7 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC (Hướng dẫn Bộ luật Hình sự 1999), hành vi ngược đãi, hành hạ được định nghĩa như sau:

"Hành vi ngược đãi, hành hạ thông thường được hiểu là việc đối xử tồi tệ về ăn, mặc, ở và về các mặt sinh hoạt hàng ngày khác đối với người thân như: nhiếc móc, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách một cách không bình thường hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể người bị hại như: đánh đập, giam hãm... làm cho người bị hại bị đau đớn về thể xác và tinh thần".

Tại tiểu mục 7.3 Mục 7 Thông tư Liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC quy định đối tượng bị xâm hại trong cấu thành tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng là những người sau đây:

- Ông bà, bao gồm ông bà nội, ông bà ngoại;

- Cha mẹ, bao gồm cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế;

- Vợ chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình;

- Con, bao gồm con đẻ (con trong giá thú và con ngoài giá thú); con nuôi; con rể; con dâu; con riêng của vợ hoặc con riêng của chồng;

- Cháu, bao gồm cháu nội, cháu ngoại;

- Người có công nuôi dưỡng mình là anh chị em, cô, dì, chú, bác, bà con thân thích hoặc những người khác đã hoặc đang nuôi dưỡng người thực hiện hành vi ngược đãi, hành hạ.

Như vậy, hành hạ cha mẹ, vợ chồng, con cái được hiểu là hành vi đối xử tồi tệ về ăn, mặc, ở và về các mặt sinh hoạt hàng ngày khác đối với những đối tượng nêu trên như: nhiếc móc, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách một cách không bình thường hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể người bị hại như: đánh đập, giam hãm... làm cho người bị hại bị đau đớn về thể xác và tinh thần.

Hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái bị phạt bao nhiêu năm tù?

Căn cứ tại Điều 185 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình như sau:

Khung 1: Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

- Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

- Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;

- Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.

Như vậy, người nào có hành vi hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cao nhất là 05 năm tù.

Hành hạ vợ con có thể bị giám sát điện tử

Minh Tiệp, MC Hoàng Linh phẫn nộ hành động bạo hành vợ của nam DJ

GĐXH - DJ Ximer - người chơi trong chương trình "Người ấy là ai" đã bị nhiều nghệ sĩ, cộng đồng mạng lên án sau khi đánh đập vợ tàn nhẫn.

Nguồn giadinh.suckhoedoisong.vn

Hành hạ vợ con có thể bị giám sát điện tử - Hậu Trường