Khi máy điều hòa vận hành, không gian trong phòng sẽ nhanh chóng đạt tới nhiệt độ mà người dùng cài đặt. Không gian trong phòng khô thoáng cũng đồng nghĩa với việc một lượng hơi nước trong không khí được tích tụ lại hình thành giọt nước. Sau đó, nước sẽ theo ống nước dẫn nước thải ra ngoài.
Thông thường, lượng nước chảy ra từ điều hòa trong quá trình vận hành không quá nhiều. Nếu máy điều hòa thải ra quá nhiều nước thì có thể thiết bị đang gặp sự cố. Một số nguyên nhân chính khiến máy điều hòa bị chảy nước liên tục với số lượng nhiều là không vệ sinh, bảo dưỡng điều hòa định kỳ, ống thoát nước bị vỡ hoặc kẹt vị trí lắp đặt máng nước sai… Lúc này, người dùng cần gọi thợ đến kiểm tra và sửa chữa ngay.
Ảnh minh họa
Nước chảy từ điều hòa có sử dụng được không?
Về bản chất, nước chảy từ điều hòa là nước ngưng tụ từ hơi nước trong không khí. Do đó, nước chảy từ điều hòa có thể coi là tinh khiết ở điểm xuất phát. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động của điều hòa, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của nước này.
Theo đó, không khí trong nhà có thể chứa nhiều tạp chất, bao gồm bụi bẩn, vi khuẩn, nấm mốc và các chất hóa học từ sản phẩm gia dụng. Khi hơi nước ngưng tụ, các tạp chất này có thể bị cuốn theo và hòa tan trong nước.
Ngoài ra, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng môi trường ẩm ướt bên trong máy điều hòa là nơi lý tưởng cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển, điều này làm tăng nguy cơ ô nhiễm cho nước thải. Đặc biệt, nếu hệ thống lọc không khí bị bẩn hoặc ống dẫn nước bị tắc nghẽn và không được vệ sinh sạch sẽ, chất lượng nước thu được sẽ không đảm bảo.
Chưa kể, nước từ điều hòa không qua bất kỳ quá trình lọc hoặc tiệt trùng nào trước khi chảy ra ngoài. Trong một số trường hợp, nước thải từ điều hòa thậm chí còn chứa hóa chất từ bộ phận trao đổi nhiệt, chẳng hạn như lớp bảo ôn bị hỏng hoặc rò rỉ chất làm lạnh.
Do đó, dù ban đầu nước ngưng tụ từ điều hòa có thể coi là tinh khiết nhưng việc sử dụng loại nước này cho mục đích ăn uống, nấu nước hoặc các công việc nội trợ khác là không an toàn. Ngay cả khi bạn đun sôi, nước vẫn có thể chứa vi khuẩn và bụi bẩn, không thể loại bỏ hoàn toàn.
Đặc biệt, nếu loại nước này đi vào cơ thể có thể tiềm ẩn nguy cơ gây các bệnh về đường tiêu hóa do vi khuẩn, nấm mốc tích tụ; thậm chí ngộ độc do các chất chống đông hoặc các chất hóa học khác hòa lẫn vào nước ngưng tụ.
Ảnh minh họa
Nước thải từ điều hòa có thể dùng làm gì?
Mặc dù không nên uống nước từ điều hòa, các gia đình vẫn có thể tận dụng nguồn nước này cho các mục đích khác trong sinh hoạt hàng ngày.
Tưới cây
Nước thải từ điều hòa không có tính axit, cũng không có tính kiềm. Do đó, có thể dùng để tưới cây và hoa. Loại nước này còn giúp đất tơi xốp, tránh tình trạng nén đất, từ đó cây sẽ phát triển tươi tốt hơn. Tuy nhiên, không sử dụng nước này cho các loại cây ăn trái hoặc rau xanh để tránh nguy cơ nhiễm bẩn.
Nuôi cá
Nước thải từ điều hòa còn có thể trở thành nguồn nước nuôi cá. Việc thay nước thường xuyên trong bể cá là phương pháp quan trọng để cá luôn khỏe mạnh. Sử dụng nước điều hòa để thay thế nước thông thường không chỉ tiết kiệm mà còn giúp cá hoạt động tích cực hơn do hàm lượng nguyên tử oxy cao hơn.
Lau nhà
Sử dụng nước điều hòa để xả bồn cầu hoặc lau sàn không chỉ tiết kiệm nước mà còn giúp cải thiện kết quả làm sạch.
Khi lau sàn, đổ nước điều hòa vào dụng cụ tẩy rửa rồi thêm một lượng muối ăn và nước lau sàn thích hợp nhằm tăng độ kiềm của nước, tránh tạo cặn, nâng cao hiệu quả làm sạch. Nếu nước điều hòa có mùi tanh, có thể tăng lượng nước lau sàn để tạo thêm hương thơm và khử mùi.
Làm sạch đồ trang sức
Trong nước điều hòa chứa nhiều natri florua, có thể làm sáng và sạch bụi trên bề mặt đồ trang sức. Nếu vòng đeo cổ, hoa tai... bị rỉ sét hoặc xỉn màu, có thể sử dụng loại nước này để làm sạch.
Nên ngâm đồ trang sức trong nước điều hòa khoảng 6 tiếng. Sau đó dùng tăm bông làm sạch, hiệu quả rất rõ rệt.
Phương Anh (Theo Aboluowang)