Ở Trung Quốc có rất nhiều vùng đất bí ẩn khiến con người ta một khi lạc vào trong đó thì phần lớn là không thể quay trở về. (Ảnh: Pinterest)(1) “Thung lũng chết” trên núi Côn Lôn
Núi Côn Lôn hùng vĩ tráng lệ nằm trên cao nguyên Tây Tạng, trải dài hơn 3.000km, được coi là núi Thần của người Trung Quốc cổ đại. Những câu chuyện nổi tiếng như “Hằng Nga bôn nguyệt”, “Mục thiên tử truyện”, “Tây du ký” đều có liên quan đến núi Côn Lôn. Cho đến thời hiện đại, núi Côn Lôn vẫn là một trong những vùng đất bí ẩn nhất Trung Quốc, đặc biệt là “thung lũng chết”, vốn được người dân địa phương coi là “cấm địa”.
Tương truyền rằng, những người chăn cừu có kinh nghiệm ở địa phương thà để cho những con cừu của mình bị chết đói còn hơn là cho chúng chạy vào trong “thung lũng chết” ăn cỏ. Bởi theo họ, nơi này thường xuyên có ma quỷ xuất hiện, một khi đã đi vào thì chắc chắn không thể trở ra…
Vào thập niên 90 của thế kỷ 20, nhóm thám hiểm của Cục Địa chất Tân Cương đi vào thung lũng tiến hành điều tra. Đúng lúc này, một bầy ngựa của trang trại Aral ở tỉnh Thanh Hải gần sông Naringele trong lúc kiếm ăn đã vô tình chạy vào hẻm núi Naringele có đầy cỏ xanh.
Khi chủ trang trại đuổi theo bầy ngựa thì tình cờ gặp nhóm thám hiểm, mọi người ai nấy đều khuyên ông nên nhanh chóng rời khỏi nơi này. Nhưng chủ trang trại không còn cách nào khác, cuối cùng đành phải chạy vào trong thung lũng tìm ngựa. Mấy ngày sau, nhóm thám hiểm phát hiện ra bầy ngựa của trang trại Aral lại xuất hiện ở gần đó, chỉ là không nhìn thấy chủ trang trại đâu.
Nhóm thám hiểm vì muốn tìm hiểu rõ chuyện này, nên đã theo dấu chân ngựa đi về phía trước, kết quả tại một nơi cách đó không xa, họ phát hiện ra xác của chủ trang trại đang nằm ngước mặt lên trời, toàn bộ khuôn mặt đã biến thành màu đen. Ngoài ra, không biết tại sao ông ta lại ngã xuống trong tư thế cầm súng và chuẩn bị bắn. Nguyên nhân cái chết của chủ trang trại cho đến nay vẫn là một điều bí ẩn.
Da, lông, xương động vật thường được nhìn thấy tại thung lũng chết ở Côn Lôn. (Ảnh qua Sohu)(2) Làng ma số 1 Trung Quốc – Làng Phong Môn
Làng Phong Môn nằm ở ngoại ô thành phố Thấm Dương, thuộc địa cấp thị Tiêu Tác, tỉnh Hà Nam. Toàn bộ thôn làng có 39 tòa nhà, ước chừng 200 gian phòng, hầu hết các ngôi nhà đều có 3 lầu nhỏ làm bằng đá, mái ngói màu xám. Nơi đây bao quanh là núi, phía trước là nước, còn có sông Tiêu Diêu chảy quanh, từ xa nhìn lại trông vô cùng thanh tú mỹ lệ.
Tương truyền rằng tên của làng này từ thuở sơ khai là Phong Môn (chữ “Phong” ở đây có nghĩa là “gió”, “Môn” là “cửa”) hay còn gọi là “ngôi làng có cánh cửa đón gió”. Do trải qua hàng trăm năm từ đời Minh – Thanh với những câu chuyện kỳ bí đáng sợ, cánh cổng làng về sau luôn được đóng kín nên nơi đây được chuyển sang “tên cũ nghĩa mới”, vẫn lấy tên là Phong Môn, nhưng chữ “Phong” giờ đây lại có nghĩa là “đóng chặt”.
Với kiến trúc cổ kính từ đời Minh-Thanh, tọa ở nơi non xanh nước biếc, lại ẩn chứa biết bao điều bí ẩn nên làng Phong Môn là điểm đến thu hút nhiều nhà leo núi ưa phiêu lưu, khám phá.
Tuy nhiên, nhiều người trong số đó khi về đều kể rằng, lúc đi qua địa phận của làng, họ thường nghe thấy những âm thanh và giọng nói kỳ lạ. Nhiều người nói họ cảm thấy choáng váng, uể oải ngay khi bước chân vào ngôi làng. Một số người khác còn cho biết, họ bị một thế lực thần bí nào đó trong ngôi làng dẫn dắt đến một ngôi nhà hoang trống không với chiếc quan tài ở giữa.
Vẻ ma quái kinh dị của một ngôi nhà trong làng Phong Môn. (Ảnh: Kknews)
Một trong những thứ nổi tiếng nhất ở làng Phong Môn chính là chiếc ghế Thái sư có từ thời nhà Thanh, tọa ngự trong đại viện lớn của làng. Tương truyền, bất kỳ ai ngồi lên chiếc ghế đó đều sẽ gặp phải những điều không may theo một cách hết sức bí ẩn. Sau này, để xác minh tin đồn, nhiều người đã thử qua và đều gặp phải kết cục đáng sợ.
Theo người dân địa phương, đã từng có một nhóm du khách đi du lịch đến làng Phong Môn, nhưng kỳ lạ thay, khi đi qua ngôi làng, tất cả đồ đạc của thành viên trong nhóm đều biến mất một cách bí ẩn. Ngoài ra còn có một nhóm du khách đi qua ngôi làng, thì một trong những nữ du khách đột nhiên có biểu hiện khác thường, nói chuyện cuồng loạn, những người biết chuyện đều cho rằng đây là một dấu hiệu của ma nhập.
(3) “Bermuda phiên bản Trung Quốc”- Hồ Bà Dương
Nằm giữa vùng đồi núi hiểm trở của tỉnh Giang Tây, hồ Bà Dương là hồ nước ngọt được cho là có diện tích bề mặt rộng nhất Trung Quốc, mực nước sâu trung bình 8,4m, tối đa đạt 25,1m.
Theo ghi chép lịch sử, hồ Bà Dương là nơi diễn ra cuộc đại chiến giữa Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương và Trần Hữu Lượng – một thủ lĩnh quân phiệt. Thế nhưng, không nhiều người biết rằng, hồ Bà Dương còn nổi tiếng bởi nơi đây có một khu thủy vực “ma quỷ” được mệnh danh là “Bermuda của Trung Quốc”, hay còn gọi là “tam giác quỷ” hồ Bà Dương.
Theo thống kê, kể từ đầu những năm 1960 cho tới cuối những năm 1980, hơn 200 thuyền bè qua lại khu vực này đều bị đắm một cách bí ẩn, khiến 1.600 người mất tích, 30 người may mắn sống sót đều bị tâm thần, còn những xác tàu chưa bao giờ được tìm thấy.
Hồ Bà Dương nổi tiếng bởi nơi đây có một khu thủy vực “ma quỷ” được mệnh danh là “Bermuda của Trung Quốc”, hay còn gọi là “tam giác quỷ” hồ Bà Dương. (Ảnh: Sohu)
Theo tài liệu ghi chép, chỉ riêng trong ngày 3/8/1985, 13 chiếc thuyền cùng lúc gặp nạn ở khu vực Đền Lão Gia. Một điều bí ẩn là, bất kể bỏ ra bao nhiêu công sức, cho đến nay người ta vẫn chưa tìm ra tung tích những con thuyền này. Thậm chí, trong số đó có một chiếc nặng tới 2.000 tấn.
Vào ngày 16/4/1945, chiếc thuyền “Kobe Maru” của Nhật Bản đã mất tích bí ẩn cùng với 20 người khác tại khu vực “Tam giác quỷ” gần Đền Lão Gia. Chính phủ Nhật Bản đã cử một đội quân cứu hộ đền Hồ Bà Dương tìm kiếm cứu nạn. Cuối cùng, chỉ duy nhất một người may mắn sống sót, nhưng chẳng bao lâu thì bị mắc chứng mất trí nhớ. Thời gian sau, một nhóm thợ lặn Mỹ tới vùng Đền Lão Gia để tìm kiếm thuyền Nhật Bản, song họ chẳng thấy gì và nhiều người trong số họ còn bị mất tích.
(4) “Hồ mê hồn” ở Ngõa Ốc Sơn
Tại huyện Hồng Nhã thuộc thành phố Mi Sơn cách Thành Đô 180km, có một nơi nghe tên đã làm người ta khiếp sợ, đó là ‘hồ mê hồn’. Tương truyền rằng Trương Đạo Lăng, người sáng lập giáo phái Ngũ Đấu Mễ Giáo, đã truyền giáo tại Ngõa Ốc Sơn. Tại khu vực này ông đã lập một mê hồn trận bát quái dùng để bẫy những yêu ma quỷ quái hành ác nơi thế gian.
Căn cứ vào các ghi chép có liên quan, địa hình “hồ mê hồn” rất phức tạp, bên trong khắp nơi đều là đầm lầy, quanh năm bị bao phủ bởi sương mù đen dày đặc. Nhiều người đã lên đây hái thuốc, săn bắn đều bị mê mất phương hướng và chết trên núi không rõ lý do.
Địa hình “hồ mê hồn” rất phức tạp, bên trong khắp nơi đều là đầm lầy, quanh năm bị bao phủ bởi sương mù đen dày đặc. (Ảnh: Sohu)
Rất nhiều nhà thám hiểm sau khi đi vào đều gặp tình trạng la bàn không thể hoạt động, đồng hồ không chạy, đầu óc quay cuồng chóng mặt, cuối cùng không phải bị chết cóng mà là bị chết đói. Nhiều người cho rằng có thiên thạch khổng lồ ẩn dưới “hồ mê hồn” này, khiến người lạc vào đây mất phương hướng, hít phải chướng khí độc hại mà mất mạng.
Do sự huyền bí đáng sợ của “hồ mê hồn”, nên khi khai phá núi Ngõa Ốc, chính quyền địa phương đã phải phong tỏa “hồ mê hồn”, nhằm tránh trường hợp khách du lịch vô tình đi lạc vào đây.
(5) “Quỷ môn quan” núi Lục Bàn
Núi Lục Bàn nằm ở phía nam Ninh Hạ, đây là một khu vực nổi tiếng với phong cảnh đẹp như tranh vẽ. Thời điểm huy hoàng nhất trong lịch sử núi Lục Bàn là khi Thành Cát Tư Hãn trường kỳ đóng quân tại đây. Năm đó, quân đội nhà Nguyên chính là xuất phát từ nơi này mà đánh chiếm được rất nhiều lãnh thổ.
“Quỷ môn quan” nằm gần sông Nhị Long, là vùng lõi của núi Lục Bàn, cũng là khu vực đáng sợ nhất ở nơi đây. Dân gian thường truyền nhau câu “Quỷ môn quan, núi bao vây núi, đi vào dễ, đi ra khó”.
“Quỷ môn quan” thường xuyên bị bao phủ bởi sương mù dày đặc, rất dễ làm cho người ta mất phương hướng. Buổi tối gió thổi rít từng cơn, thỉnh thoảng kèm theo tiếng bước chân của thú rừng lúc ẩn lúc hiện khiến người ta không khỏi rùng mình.
(6) “Hồ dạ xoa” Rakshastal ở Tây Tạng
“Hồ quỷ” nằm ở quận Burang thuộc địa khu Ngari, là một nhánh được tách ra từ hồ nước ngọt Manasarovar Tây Tạng. (Ảnh: Twitter)
Biệt danh “hồ dạ xoa”, “hồ quỷ” theo tiếng Tây Tạng có nghĩa là “hồ đen nhiễm độc”. “Hồ quỷ” nằm ở quận Burang thuộc địa khu Ngari, là một nhánh được tách ra từ hồ nước ngọt Manasarovar Tây Tạng, tuy nhiên nó lại là hồ nước mặn không có thực vật hay cá sống ở đây.
Truyền thuyết đáng sợ nhất về Rakshastal là khi nhìn từ trên cao xuống, hình dáng của nó giống như bộ da người bị lột. Tương truyền, hồ Rakshastal là lãnh địa của Lanka – vua quỷ mười đầu. Theo quan niệm của người Tây Tạng, hồ có hình dạng lưỡi liềm, tượng trưng cho đêm tối, cho thế lực hắc ám. Người dân địa phương cũng nói rằng, họ thường nghe thấy những tiếng kêu khóc thảm khốc, lúc trầm lúc bổng, khiến cho ai nghe thấy cũng phải sởn gai ốc.
(7) “Hồ tử thần” La Bố Bạc ở Tân Cương
Hồ Lop Nur (hay còn gọi là La Bố Bạc) là một nhóm các hố, hồ muối nhỏ nằm giữa sa mạc Taklamakan và sa mạc Kuruktag thuộc phía Đông khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương.
Đây từng là hồ nước mặn lớn thứ hai ở Trung Quốc, là một di tích lịch sử đầy huy hoàng bởi nó từng là một bộ phận của con đường tơ lụa và là nơi tọa lạc của thành cổ Lâu Lan, nhưng vì rất nhiều lý do mà ngày nay khu vực này chỉ còn là một vùng xác muối. Rất nhiều chuyện kỳ ảo không thể lý giải đã xảy ra ở đây.
Năm 1980, nhà khoa học nổi tiếng Trung Quốc Bành Gia Mộc mất tích trong một cuộc khảo sát; 16 năm sau nhà thám hiểm Dư Thuần Thuận cũng gặp nạn tại đây, nên khu vực này càng đem lại cho con người cảm giác thần bí. Hồ Lop Nur không có cây cối, không sông suối, nhiệt độ lên tới 70 độ C khiến cho không loài chim nào dám bay ngang qua đây.
Tuệ Tâm (Theo Vision Times)Có thể bạn quan tâm: