Do tính chất linh động và tự do, nên thu nhập của freelancer sẽ thay đổi ít nhiều theo loại hình công việc, độ khó và thời gian thực hiện dự án. Vì vậy nếu freelancer biết cách đàm phán, thì hoàn toàn có thể chủ động điều chỉnh mức thù lao mong muốn. Dưới đây là 7 lưu ý mà freelancer cần nhớ để có thể chiếm ưu thế khi thương lượng mức lương, hãy cùng tham khảo nhé.
Luôn tham khảo mức giá
Khi nhận việc, nên bạn đừng vội vàng áp ngay mức giá cũ trước đây. Thực tế, dù công việc giống nhau nhưng với mỗi đối tác, yêu cầu sẽ có sự khác biệt như deadline, số lượng, khả năng cộng tác trong tương lai. Ngoài ra, bạn còn phải tính đến cả tỷ giá hối đoái với các đối tác nước ngoài.
Bên cạnh yếu tố thị trường, bạn cũng nên thường xuyên giữ liên lạc với người thân, hội nhóm cùng ngành liên quan. Họ sẽ cho bạn lời khuyên, nhận định hữu ích nhằm biết được mức giá tốt nhất.
Tìm hiểu về đối tác
Có câu “Biết người ta biết ta, trăm trận trăm thắng” nên bạn cần tìm hiểu thông tin về đối tác. Ví dụ như đó là công ty hay tư nhân, lịch sử giao dịch với freelancer như thế nào, deadline cần gấp hay không.
Nếu bạn tìm việc thông qua các diễn đàn trung gian thì dễ lần ra các thông tin đối tác, nhưng sẽ hơi khó với trường hợp cá nhân. Bạn cũng có thể dựa vào tài khoản mạng xã hội để tra cứu chi tiết khách hàng và hạn chế việc bị "quỵt” tiền từ tài khoản ảo.
Chủ động và thẳng thắn
Một phần khiến các freelancer bị lép vế chính là quá rụt rè, hoặc kiêng nể “giữ mối” quá mức. Điều này sẽ khiến bạn bị rơi vào tình trạng ép giá không tương xứng, hoặc chọn cách im lặng dù không hài lòng.
Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng, tiến độ công việc. Do đó, bạn cần chủ động bàn bạc ngay vấn đề lương nếu không thỏa đáng, và thẳng thắn nêu ra chính kiến bản thân. Khi bỏ qua sự e dè, bạn mới đủ tự tin trao đổi với đối tác nhằm tìm ra giải pháp tối ưu nhất.
Giao tiếp chuyên nghiệp
Trao đổi thẳng thắn không đồng nghĩa rằng bạn được quyền nói những lời khiếm nhã với khách hàng, tỏ ý chê bai công việc. Dù muốn hay không thì bạn vẫn nên giao tiếp đúng mức nhằm tạo dựng một hình ảnh chuyên nghiệp, giữ quan hệ trong tương lai.
Đối với trò chuyện văn bản thì bạn nên thêm vào những từ như “vui lòng, cảm phiền, xin hỏi”, viết câu có chủ ngữ - vị ngữ và trình bày ngắn gọn, rõ ràng. Đối với trò chuyện trực tuyến thì bạn cần tránh đặt ra các câu hỏi tiêu cực, nói năng cụt ngủn. Khi bạn đã có được một phong thái giao tiếp chuyên nghiệp thì sẽ dễ tạo thiện cảm với khách hàng, và từ đó dễ thương lượng được mức giá tốt hơn.
Không vội vàng từ chối
Khi đối tác đưa ra một mức giá thấp, thì bạn cũng đừng nên vội vàng từ chối. Bởi mức giá đầu tiên chưa chắc đã là giá “chốt” cuối cùng. Bạn cần trao đổi thêm về khả năng cộng tác dài lâu và cả tiềm năng mở rộng mối quan hệ.
Trên thực tế, bất kì dự án nào đều đã được dự trù ngân sách dao động cho phép. Gợi ý rằng bạn nên dành thời gian để xem xét lại mẫu tuyển dụng và suy nghĩ một cách thấu đáo nhất. Ngoài ra, bạn có thể tùy chọn nhận làm thử với số lượng ít để xem xét tình hình trước khi quyết định giá cộng tác cuối cùng.
Đừng nên đưa ra giá trước
Đối với các dự án không công khai mức phí mà theo dạng thỏa thuận, thì bạn nên hạn chế đưa ra lời chào giá trước. Bởi điều này giúp bạn tránh bị áp lực, và không bị “hớ” vì rẻ.
Cách tốt nhất là bạn nên đặt ra câu hỏi: “Ngân sách dự trù cho dự án là bao nhiêu?”. Điều này vừa giúp bạn có một cái giá tham khảo, tiết kiệm thời gian trao đổi nếu mức phí không tương xứng ngay từ đầu.
Chuẩn bị sẵn các câu trả lời
Cuối cùng, bạn hãy chuẩn bị sẵn sàng các câu trả lời để giải thích lý do tại sao mức giá cao. Rất khó để khiến một người nào đó trả tiền vượt dự tính nếu họ không thấy được cơ sở, niềm tin vững chắc.
Lưu ý rằng câu trả lời cần ngắn gọn, rõ ràng và tránh dùng nhiều từ chuyên môn không cần thiết gây phản cảm. Tất nhiên nếu mọi chuyện vẫn chẳng thể thay đổi thì bạn nên chọn từ bỏ để tập trung vào một cơ hội mới tốt hơn.