Trong ẩm thực, tỏi là một phần tạo nên các món ăn đa dạng. Trong Đông y, thứ gia vị này cũng được ca ngợi vì những lợi ích cho sức khỏe.
Tỏi rất giàu hợp chất allicin, mang lại hương vị độc đáo và hương thơm mạnh mẽ. Nó có đặc tính kháng khuẩn, chống oxy hóa và chống viêm. Chính những đặc tính này khiến nó trở thành siêu thực phẩm cho hệ thống miễn dịch.
Tỏi không chỉ tốt cho sức khỏe tim mạch mà còn giúp kiểm soát các bệnh mãn tính và tăng cường sức khỏe tổng thể.
Mặc dù được sử dụng rộng rãi trong nấu ăn nhưng ăn tỏi khi bụng đói có thể mang lại một số lợi ích tuyệt vời cho cơ thể. Dẫu vậy, có khi nào bạn tự hỏi liệu mình nên nuốt hay nhai tỏi để thu được những lợi ích tốt nhất từ nó không?
Theo giới chuyên gia, bạn có thể ăn tỏi sống khi bụng đói hoặc thêm nó vào chế độ ăn uống của mình theo nhiều cách khác nhau.
Trị ho hoặc cảm lạnh
Tiêu thụ tỏi sống có thể ngăn ngừa nhiễm trùng như ho hoặc cảm lạnh. Bạn có thể duy trì khả năng miễn dịch cao bằng cách ăn hai tép tỏi nghiền nát khi bụng đói. Ngay cả mùi tỏi nồng nặc cũng có khả năng ngăn ngừa nhiễm trùng hoặc dị ứng ở trẻ em và trẻ sơ sinh.
Chuyên gia dinh dưỡng Avni Kaul (Ấn Độ) cho biết tỏi tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp ngăn ngừa các bệnh thông thường như cảm lạnh và cúm.
Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Chuyên gia cho biết tỏi hỗ trợ giảm huyết áp và mức cholesterol, giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Allicin, được tìm thấy trong tỏi, đóng vai trò chính trong việc ngăn chặn quá trình oxy hóa LDL (cholesterol xấu). Điều này làm giảm mức cholesterol và cải thiện sức khỏe tim mạch.
Tiêu thụ tỏi liên tục sẽ hạn chế sự hình thành cục máu đông. Tỏi cũng có khả năng làm giảm huyết áp, khiến nó trở thành siêu thực phẩm cho bệnh nhân tăng huyết áp.
Đặc tính chống viêm
Nhai tỏi sẽ giải phóng các hợp chất có lợi như allicin, có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm. (Ảnh: ITN) |
Chuyên gia cho biết các thành phần chống viêm của tỏi giúp giảm viêm và mang lại lợi ích cho những người mắc bệnh viêm khớp.
Những người gặp vấn đề về tiêu hóa có thể giảm bớt triệu chứng bằng cách kết hợp tỏi sống vào chế độ ăn uống. Nó cải thiện chức năng của ruột và hạn chế tình trạng viêm.
Ăn tỏi sống cũng giúp loại bỏ giun đường ruột. Điều tuyệt vời nhất là tỏi giúp tăng cường sản xuất vi khuẩn tốt trong ruột đồng thời tiêu diệt vi khuẩn xấu.
Tính chất chống oxy hóa
Tỏi có chất chống oxy hóa giúp bảo vệ chống lại tác hại của quá trình oxy hóa, giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Tỏi cản trở việc sản xuất các gốc tự do trong cơ thể và giúp ngăn ngừa tổn thương DNA.
Sự hiện diện của kẽm trong tỏi giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Vitamin C cũng giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Ngoài ra, đặc tính kháng khuẩn của nó có khả năng chống nhiễm trùng mắt và tai.
Giải độc
Tỏi giúp giải độc kim loại nặng khỏi cơ thể, đặc biệt là chì, từ đó bảo vệ các cơ quan khỏi bị hư hại. Nó giúp loại bỏ các độc tố không mong muốn trong cơ thể mà chúng ta vô tình tiêu thụ trong cuộc sống hàng ngày.
Giảm cân
Tỏi làm tăng quá trình sản sinh nhiệt trong cơ thể, dẫn đến đốt cháy nhiều chất béo hơn đồng thời làm giảm LDL (cholesterol xấu).
Cách tốt nhất để tiêu thụ tỏi: Nhai hay nuốt?
Cách tốt nhất để tiêu thụ tỏi vì lợi ích sức khỏe của nó là ăn sống sau khi nghiền hoặc cắt nhỏ và để yên trong 10 phút. Điều này kích hoạt allicin, hợp chất mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của tỏi.
Nấu tỏi có thể làm giảm các hợp chất có lợi, mặc dù nấu tỏi nhẹ vẫn mang lại một số lợi ích. Ăn tỏi sống sẽ tối đa hóa lợi ích tăng cường miễn dịch, chống viêm và tim mạch. Để giảm hương vị đậm đà của tỏi, bạn có thể trộn tỏi sống với mật ong và dầu ô liu hoặc trộn vào món salad và nước sốt.
Chuyên gia gợi ý rằng phương pháp này đảm bảo bạn nhận được những lợi ích sức khỏe mạnh mẽ nhất từ tỏi.
“Nhai tỏi sẽ giải phóng các hợp chất có lợi như allicin, có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm. Nó cũng làm tăng hương vị và mùi thơm của tỏi. Nuốt cả tép tỏi vẫn mang lại lợi ích cho sức khỏe, nhưng việc giải phóng các hợp chất hoạt động kém hiệu quả hơn.
Để có lợi ích sức khỏe tối đa, nên nhai tỏi, mặc dù hương vị và mùi nồng nặc gây khó chịu cho một số người. Bạn có thể điều chỉnh phương pháp hấp thụ dựa trên sở thích và khả năng chịu đựng của mình”, Avni Kaul nói.
Điều này đã được chứng thực bởi một nghiên cứu năm 2005 được công bố trên Tạp chí Lipids in Health and disease. Cụ thể, nghiên cứu đã xem xét tác dụng của tỏi đối với thành phần lipid, quá trình peroxid hóa lipid và nồng độ cyclosporine trong huyết thanh, bằng cách so sánh hiệu quả giữa việc nuốt và nhai.
Theo nghiên cứu, tỏi nuốt không có tác dụng làm giảm nồng độ lipid trong huyết thanh, nhưng tỏi nghiền hoặc tỏi nhai làm giảm cholesterol, chất béo trung tính và huyết áp.
Nhóm người nên tránh ăn tỏi
Những người có tình trạng sức khỏe nhất định hoặc đang dùng các loại thuốc cụ thể cần tránh tiêu thụ tỏi.
Những người có vấn đề về đường tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích (IBS) hoặc trào ngược axit thường thấy rằng tỏi làm trầm trọng thêm các triệu chứng của họ.
Những người bị dị ứng tỏi rõ ràng nên tránh thứ gia vị này. Tỏi cũng có thể tương tác với thuốc làm loãng máu, làm tăng nguy cơ chảy máu, vì vậy những người dùng các loại thuốc này nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi dùng tỏi.
Theo Tùng Lâm/Giáo Dục Thời ĐạiSự kiện: Tư vấn dinh dưỡng