Đường hầm cổ xưa dài hơn 1.300m, có khả năng giữ mộ của Nữ hoàng Cleopatra

09/11/2022 14:12
Một đường hầm đồ sộ nằm ở độ sâu 13m, được mô tả là "điều kỳ diệu" với chiều dài hơn 1.300m, có khả năng lưu giữ mộ của Nữ hoàng Cleopatra nổi tiếng.

 

Phát hiện đáng kinh ngạc về đường hầm cổ xưa

Trong một tuyên bố mới đây, Bộ du lịch và cổ vật Ai Cập vừa tiết lộ về phát hiện đáng kinh ngạc liên quan tớiđường hầm cắt bằng đá nằm sâu dưới mặt đất ở khu vực ngôi đền cổ Taposiris Magna, phía tây Alexandria của Ai Cập.

Đó là một đường hầm khổng lồ ở độ sâu 13m, dài hơn 1.300m, được ví như "điều kỳ diệu hình học". Đây cũng là khu vực nằm trong quá trình điều tra tìm kiếm ngôi mộ bị mất tích từ lâu của Nữ hoàng Cleopatra nổi tiếng.

Đường hầm cổ xưa dài hơn 1.300m, có khả năng giữ mộ của Nữ hoàng Cleopatra

Đường hầm cổ dài 1.300m nằm dưới ngôi đền vừa được phát hiện (Ảnh: Bộ du lịch và cổ vật Ai Cập).

Đường hầm được nhóm khảo cổ học Ai Cập Dominica đến từ Đại học San Domingo do Tiến sĩ Kathleen Martinez đứng đầu, phát hiện ra. Trong quá trình khai quật, các chuyên gia tìm thấy một số bình gốm nằm dưới lớp bùn trầm tích, một khối đá vôi hình chữ nhật. Ngoài ra, hai chiếc đầu tượng bằng thạch cao cũng được phát hiện gần khu đền, trong đó một chiếc được xác nhận tồn tại từ thời Ptolemaic (một trong các vương triều của Ai Cập cổ đại).

Một phần của đường hầm được tìm thấy trong tình trạng chìm dưới nước. Điều này ủng hộ giả thuyết rằng nền móng của đền Taposiris Magna cũng nằm dưới nước.

Trong giai đoạn từ năm 320 đến 1303 sau Công nguyên, ít nhất 23 trận động đất xảy ra ở bờ biển Ai Cập. Điều này giải thích cho sự sụp đổ và nhấn chìm một phần ngôi đền Taposiris Magna.

Đường hầm cổ xưa dài hơn 1.300m, có khả năng giữ mộ của Nữ hoàng Cleopatra

Một góc của ngôi đền Taposiris Magna (Ảnh: Ancient).

Thiết kế kiến trúc của đường hầm vừa phát hiện giống với đường hầm Eupalinos tráng lệ trên đảo Samos của Hy Lạp. Công trình này vốn là một trong những thành tựu kỹ thuật quan trọng nhất của thế giới cổ đại.

Ý nghĩa tên của đền Taposiris Magna là "lăng mộ vĩ đại của Osiris". Ngôi đền cổ vốn được dành riêng cho Osiris, nhân vật được những người đứng đầuHy Lạp ở Ai Cập tôn thờ.

Nơi an nghỉ cuối cùng của Nữ hoàng Cleopatra ở đâu?

Kể từ khi vị Nữ hoàng nổi tiếng của thế giới cổ đại tự vẫn vào năm 30 trước Công nguyên, ngôi mộ của bà đến nay vẫn còn là một bí ẩn được cất giấu ở nơi nào đó trên đất Ai Cập.

Trong nhiều thế kỷ, đã có vô số tin đồn về vị trí lăng mộ của Nữ hoàng và người tình Mark Antony. Thậm chí năm 2019 còn có thông tin về việc Ai Cập sớm khai quật mộ của hai nhân vật nổi tiếng này. Nhưng chính phủ nước này đã phủ nhận.

Tờ Fox News cho biết, theo kết quả nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Science Channel, các chuyên gia đang dành nhiều sự quan tâm là khu vực đền cổ Taposiris Magna gần Alexandria.

Đường hầm cổ xưa dài hơn 1.300m, có khả năng giữ mộ của Nữ hoàng Cleopatra

Hình ảnh mô phỏng Nữ hoàng Cleopatra - một trong những người phụ nữ quyền lực nhất Ai Cập cổ đại (Ảnh: Medium).

Suốt 14 năm qua, Tiến sĩ Kathleen là người dẫn đầu đoàn khai quật tại đền cổ này. Phát hiện về đường hầm mới đây càng khiến bà tin rằng đang tiến dần tới ngôi mộ cổ thất lạc của Nữ hoàng Cleopatra và người tình.

"Tạikhu vực rìa đồng bằng sông Nile, một cuộc khai quật quy mô lớn đang được tiến hành. Chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm", nữ Tiến sĩ Kathleen cho biết.

Phía sau đền Taposiris Magna, các chuyên gia tìm thấy khu nghĩa địa chứa nhiều xác ướp theo kiểu Hy Lạp và Ai Cập, với kiểu chôn cất khuôn mặt quay về đền. Điều này đồng nghĩa với việc, có khả năng ngôi đền cổ là nơi chôn cất một nhân vật quan trọng trong Hoàng gia như Nữ hoàng Cleopatra.

Nữ hoàng Cleopatra là vị Pharaoh cuối cùng của Ai Cập cổ đại. Bà cai trị từ năm 51 trước Công nguyên tới năm 30 trước Công nguyên, nổi tiếng trong lịch sử cả về sắc đẹp và trí tuệ.

Bà đã lựa chọn Mark Antony làm người tình để sinh ra người thừa kế thông minh, khỏe mạnh vì ông được coi là nhân vật La Mã quyền lực nhất sau Caesar Đại đế.

Tuy nhiên cuộc tình này đã kết thúc bi thảm khi cả hai cùng tự kết liễu cuộc đời vào khoảng năm 30 trước Công nguyên. Tới nay, mộ của hai nhân vật nổi tiếng này vẫn chưa được tìm thấy.

Ai Cập vẫnđang nỗ lực phục hồi lĩnh vực du lịch chủ chốt của mình, thông qua việc công khai hàng loạt những phát hiện ngành khảo cổ gần đây.

Trước đó, ngành du lịch mũi nhọn của nước này bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc nội chiến xảy ra từ năm 2011, rồi tiếp đó bị giáng thêm đòn mạnh do Covid-19 gây nên.

Nguồn dantri.com.vn

Đường hầm cổ xưa dài hơn 1.300m, có khả năng giữ mộ của Nữ hoàng Cleopatra - Du Lịch