Thấy chúng tôi chuẩn bị sắp xếp cho chuyến du lịch sắp tới, mấy đứa con đã yên bề gia thất kháo nhau: “Ông bà đi hưởng tuần trăng mật cho kỳ hồi xuân đấy”. Có vài đứa cháu thấy ông bà sắp được đi “chơi” cứ nằng nặc đòi đi theo. Nhưng lần này thì chúng tôi đã quyết chỉ đi có hai người, dự định này cũng đã có từ rất lâu rồi, giờ mới có đủ cơ hội, điều kiện và tiền bạc để thực hiện. Chúng tôi sẽ đi thắng cảnh, đi đền chùa cho đến hết tháng riêng, có cả nội cả ngoại, tức là cả trong nước lẫn qua Lào, Thái Lan, Singapore..
Ngoài ra tôi với bà xã còn có một bí mật riêng nữa, là gần đây chúng tôi như ở độ tuổi “hồi xuân”, hoặc là đã qua cái thời phải lo trăm bề nên tinh thần được thoải mái, “chuyện ấy” lại trở nên tốt đẹp và đầy sức sống.
Nhưng bỗng nhiên còn 2 tuần nữa đến tết, bà xã kêu đau đầu, hay chóng mặt và thường xuyên mất ngủ. Tôi chắc là nàng lo cái tết nên làm quá sức mình dẫn đến mệt mỏi, suy nhược. Tôi bảo bà xã có việc gì thì tôi sẽ làm giúp để nàng được nghỉ ngơi, chuẩn bị cho chuyến đi “trăng mật” dài ngày. Nhưng dạo này nàng lại hay quên, làm đâu bỏ đó, mọi thứ cứ lộn xộn hết cả lên.
Có hôm đặt mua ở quê 5 con gà nàng quên bẵng đi mất, lại đặt chỗ khác 5 con. Gần tết gà mang đến nhà chẳng có chỗ mà để, mang lên sân thượng quây lại thành nguyên một cái .. chuồng gà. Sáng sớm bọn chúng gáy inh ỏi cả khu phố.
Ảnh minh họa
Lại còn cái vụ tiền vàng, hình nộm cúng giỗ nữa, mua cái nọ thiếu cái kia, có cái thì lại thừa. Tôi thì đàn ông nên không để ý đến chuyện đó lắm, nhưng liên tục bị nàng bắt đi trả cái nọ, đổi cái kia cũng chóng hết cả mặt. Có càu nhàu đôi chút thì nàng giận dỗi, cái tính dỗi ấy gần đây mới xuất hiện, mà dỗi rõ là dai, cả ngày không thấy tươi tỉnh lại dù tôi có cố tình trêu nàng.
Tôi hô hào các con hỗ trợ mẹ làm tất cả mọi việc để nàng được nghỉ ngơi. Ấy thế nhưng nàng vẫn không chịu ngồi yên một chỗ, cái tính hay lam hay làm mà tôi yêu đến thế giờ đây lại phản tác dụng. Nhưng hễ cứ làm việc gì xong nàng lại nhăn nhó kêu đau lưng, đau tay, mỏi gối, thậm chí còn đau cả..sống mũi, tôi lại phải hì hục đấm bóp cho nàng. Phục vụ nàng còn mệt hơn cả làm ngần ấy việc.
Nhưng tối đến, khi tôi “bày tỏ muốn yêu nàng” thì nàng giãy lên: “Ấy ấy, không được, hình như em sắp.. đèn đỏ”. Tôi thắc mắc: “ Mới hôm nào đèn đỏ đã được một tháng đâu mà dọa anh”. Nàng thở dài: “Dạo này em sao ấy, vừa mới đèn đỏ xong lại hết, được vài ngày lại bị”. Tôi cũng cảm thấy lo lắng. Dạo này nàng thất thường lắm, hay là tôi có lỗi gì khiến nàng không hài lòng. Dạo gần đây ai cũng khen nàng đẹp ra, hồng hào và trẻ hơn cái tuổi gần 50 của nàng. Hay là nàng đã “say sóng” với ai bên ngoài và bây giờ tìm cách hắt hủi và xa lánh tôi.
Tôi trở nên lo lắng và âm thầm theo dõi mọi hoạt động của nàng như một kẻ nhỏ nhen, nhưng ai bảo tôi yêu nàng nhiều đến thế, tôi có chút lòng ghen và cũng lo lắng không hiểu nàng có bệnh gì. Sau cùng tôi cũng quyết định bày tỏ suy nghĩ với nàng: “Anh thấy em dạo này rất thất thường, hay mệt mỏi, cáu gắt, lại còn giận dỗi nữa. Hay anh đưa em đi khám xem có việc gì không”. Nàng cáu loạn lên: “Chả có bệnh gì cả, chẳng qua thay đổi thời tiết thôi”. Tôi đành im lặng không dám ho he gì nữa.
Gần đến kỳ “trăng mật” của hai chúng tôi mà “chuyện ấy” ngày càng chẳng đâu vào đâu. “Rình rập” mãi mới thấy có ngày nàng không “đèn đỏ” nhưng khi quan hệ thì nàng kếu đau bụng, tức bụng hoặc nếu có cố gắng chiều tôi thì nàng cũng không mấy hào hứng. Có khi còn nhăn nhó ra mặt.
Cho đến một hôm nàng đang loay hoay xếp mất giỏ cam quýt lên ban thờ thì lăn đùng ra đất. Cả nhà tá hỏa bê nàng vào giường, đo huyết áp thì thấy tụt xuống rất thấp. Mọi người phải “cấp cứu” nàng bằng một cốc trà gừng thật nóng, một lúc sau mới thấy nàng tỉnh lại.
Đến nước này thì tôi ép nàng phải đi bệnh viện khám. Sau một ngày đo đạc, siêu âm, xét nghiệm máu, chụp chiếu đủ kiểu thì nhận được kết luận của bác sỹ: “Không có bệnh gì cả”. Chúng tôi ngơ ngác, bác sỹ tủm tỉm cười: “Chị đang có triệu chứng tiền mãn kinh”.
Người phụ nữ thường vào thời kỳ trước và sau khi tắt kinh xuất hiện một số triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật như đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, ra mồ hôi, nóng trong người, mặt đỏ, bứt rứt trong người, cảm giác chân tay tê hoặc kiến bò ngoài da, hồi hộp hay quên, kinh nguyệt không đều... do nội tiết tố nữ giảm thiểu (vì buồng trứng giảm tiết nội tiết tố và số lần rụng trứng giảm dần đến hết, các tuyến âm đạo giảm xuất tiết nên âm đạo khô, lúc giao hợp đau, có thể dễ gây viêm âm đạo hoặc do thiếu nội tiết tố nữ mà xương loãng dễ bị gãy xương.
Ảnh minh họa
Thời kỳ tiền mãn kinh thường bắt đầu từ tuổi 41 - 45, thời gian ngắn có thể từ 5, 7 tháng, dài có thể 1, 2 năm hoặc lâu hơn, có người kéo dài hơn 10 năm. Nhiều công trình nghiên cứu chứng minh là bệnh nặng nhẹ có liên quan đến trạng thái thần kinh, tinh thần, tâm lý của người phụ nữ (yếu tố nội tại của con người là chủ yếu). Tỷ lệ phát bệnh ở người lao động trí óc cao hơn ở người lao động chân tay. Cũng gọi là Kinh Đoạn Tiền Hậu Chư Chứng
À ra thế, thảo nào nàng của tôi “thất thường”.
Sau đó chúng tôi được tư vấn vài phương pháp trị liệu và chế độ ăn uống, nghỉ ngơi được cho là hiệu quả nhất. Tôi cũng đang băn khoăn là khi nào nàng trở lại “bình thường” như trước kia. Dự định cho “trăng mật” của chúng tôi liệu có thực hiện được không ? và chuyện ấy sau thời kỳ tiền mãn kinh của nàng sẽ ra sao? Liệu chúng tôi vẫn còn có thể “yêu” như trước?.
-> Để mùa xuân mãi mặn nồng lửa yêuAnh Thành