7 cách thông minh để đối phó với đồng nghiệp hai mặt

25/07/2019 08:07

Đồng nghiệp ở nơi công sở không phải khi nào cũng tốt với bạn. Một số người luôn chân thành nhưng cũng sẽ có những nhân vật phản diện mang tên “đồng nghiệp hai mặt”. Những người hai mặt không chỉ khiến bạn phải dè chừng trong mọi tình huống mà còn dễ làm bạn cảm thấy bực bội, chán nản khi làm việc cùng.  

1563612672news14467

Dưới đây là một vài lời khuyên dành cho bạn khi phải làm việc chung với những người xấu tính này. 

Phớt lờ tính xấu của họ  

Những đồng nghiệp hai mặt thường không thể hiện tính xấu của họ trước mặt bạn. Do vậy, khi biết được bản chất thật sự của họ, bạn cũng không nên quá bất ngờ và tỏ thái độ khó chịu ra mặt. Hãy phớt lờ những tính xấu của họ và cư xử bình thường như cách mà họ vẫn đối xử trước mặt bạn. Như vậy, bạn sẽ cảm thấy không cần phải quan tâm đến người đồng nghiệp đó, đồng thời vẫn duy trì được mối quan hệ một cách xã giao

Phân chia rõ vai trò công việc khi làm việc nhóm 

Không phải tự nhiên mà những người hai mặt thường bị mọi người xa lánh và đề phòng. Bởi trong những tình huống làm việc cùng nhau, người đó có thể sẵn sàng tranh giành thành quả về phần mình với cấp trên, vu khống cho đồng nghiệp khác lười biếng, thiếu trách nhiệm… Vậy nên, nếu bạn thường xuyên phải hợp tác với đồng nghiệp khó ưa này, hãy luôn chuẩn bị cho mình một kế hoạch làm việc cụ thể, bảng phân chia nhiệm vụ rõ ràng, thường xuyên cập nhật tiến độ công việc với cả nhóm hoặc với cấp trên để công khai vai trò công việc. Như vậy, khi có vấn đề phát sinh về sau thì họ cũng khó có thể đùn đẩy trách nhiệm hoặc đổ lỗi cho bạn, và cũng không thể nhận hết công lao về mình. 

Luôn hoàn thành công việc thật tốt

Ngoài phân chia cụ thể vai trò trong công việc, bạn còn nên chú ý tới việc hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách tốt nhất và sớm nhất để có thể đối phó với những đồng nghiệp dễ dàng trở mặt. Không chỉ là cách để ghi điểm với cấp trên, đặt tâm huyết vào công việc còn là cách để người hai mặt thấy rằng bạn không cần chiêu trò mà vẫn có thể thăng tiến bằng cách lao động chăm chỉ. Những thành quả bạn đạt được bằng nỗ lực bản thân sẽ khiến người khác cảm thấy xấu hổ khi đặt điều nói xấu bạn. 

Thiết lập ranh giới mối quan hệ

Rõ ràng, với những đồng nghiệp nơi công sở, bạn nên giữ mối quan hệ ở mức xã giao phù hợp. Với những người hai mặt, bạn càng nên thiết lập ranh giới để không phải bận tâm và khó chịu bởi những việc người đó làm. Hãy chủ động đặt ra những quy tắc ứng xử ngầm khi đối diện với người hai mặt. Không cố gắng làm thân, cũng đừng cố gắng tỏ ra ghét bỏ họ. Hãy luôn giữ thái độ trung lập, tập trung và ưu tiên cho các mục tiêu công việc thay vì suốt ngày phải nghĩ ngợi xem người đó đang nói gì về bạn, hay bị kéo vào những cuộc chiến phe phái ngầm… Chỉ khi bạn giữ vững lập trường, tuân thủ ranh giới bạn đã đặt ra và cư xử một cách trung lập thì họ mới im lặng, lờ đi hoặc không coi bạn là mục tiêu để công kích nữa. 

Đối mặt trực tiếp trong tình huống cần thiết

Thử tưởng tượng, bạn và người đồng nghiệp kia vừa cùng hợp sức hoàn thành sự kiện cho công ty một cách ăn ý và hiệu quả, nhưng ngay hôm sau bạn đã được nghe rằng bạn chẳng đóng góp gì cho dự án, người đồng nghiệp kia mới là chủ nhân của thành quả đó, bạn sẽ như thế nào? Mọi người đều tán thưởng đồng nghiệp của bạn mà “lơ” đẹp công sức bạn đã bỏ ra? Đã đến lúc bạn cần nói chuyện trực tiếp với kẻ hai mặt xấu tính kia rồi đấy!  

Tuy nhiên, bạn không nên thẳng thắn hỏi họ rằng liệu có phải họ chính là người đã nói ra những điều đang được lan truyền trong công ty hay không. Thay vào đó, hãy thử giả vờ kể với họ về những tin đồn bạn đã nghe và những điều mọi người đang bàn tán. Tất nhiên, người đó sẽ cố gắng giải thích thật nhiều để bạn tin tưởng, nhưng bạn chỉ cần nói với họ rằng bạn muốn chia sẻ để hiểu nhau hơn chứ không phải đổ lỗi cho họ. Mục đích của việc này chính là nhắc khéo về bản chất hai mặt của họ và nhấn mạnh rằng, bạn không phải là người dễ bị bắt nạt. 

Nhờ sự giúp đỡ từ người khác

Với người hai mặt, đôi khi bạn không nên tự mình giải quyết mọi chuyện theo suy nghĩ chủ quan. Trước hết, bạn nên chia sẻ với những đồng nghiệp bạn có thể tin tưởng, những người bạn thân thiết hoặc cấp trên của bạn để lắng nghe quan điểm và góc nhìn của họ về vấn đề giữa bạn với đồng nghiệp xấu tính kia. Biết đâu, họ sẽ cho bạn những lời khuyên hữu ích hoặc cách xử lý khôn ngoan. Đừng quên, nếu bạn chân thành, những người xung quanh luôn sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ bạn. 

Đừng để họ khiến bạn mất niềm tin vào mọi người 

Nếu bạn là mục tiêu công kích của những đồng nghiệp hai mặt, việc bạn chán nản với công việc, bắt đầu học cách viết email xin việc để tìm một môi trường mới chính là điều khiến họ hả hê. Cách duy nhất để tránh khỏi việc này là không cho phép họ khiến bạn mất niềm tin vào những người xung quanh. Hãy nhớ rằng, môi trường nào cũng sẽ tồn tại cả người tốt và người không tốt, việc của bạn là xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp dựa trên sự chân thành, lạc quan cùng thái độ tích cực. Đích đến cuối cùng cho sự cố gắng trên chính là khiến những người có ý định xấu với bạn phải suy nghĩ lại về những việc làm của họ. Biết đâu, sự chân thành của bạn sẽ tác động, khiến họ nhìn nhận lại và thay đổi bản thân mình trong tương lai. 

Tiến Luật

7 cách thông minh để đối phó với đồng nghiệp hai mặt - Giáo Dục