Kỹ năng phỏng vấn rất quan trọng để nhà tuyển dụng có thể “chấm” được những ứng viên tốt nhất. Tuy nhiên, nhiều nhà tuyển dụng vẫn loay hoay với các cuộc phỏng vấn để đánh giá chính xác ứng viên. Việc tuyển sai người có thể khiến một công ty tốn khá nhiều tiền, chưa kể đến tác động tiêu cực tiềm ẩn đối với tinh thần và năng suất của nhân viên khác.
Là một chuyên gia nhân sự, bạn có rất nhiều trách nhiệm trên vai, vì vậy bạn cần đảm bảo rằng bạn đã chuẩn bị đúng cách. Dưới đây là 8 lỗi phỏng vấn ứng viên nên tránh để nâng cao chất lượng tuyển dụng, hãy cùng tham khảo nhé.
Không hiểu rõ về những gì bạn đang tìm kiếm
Người phỏng vấn không hiểu rõ về nội dung công việc không chỉ khiến cho những câu hỏi trong buổi phỏng vấn trở nên mơ hồ mà còn khiến ứng viên nghi ngờ về uy tín của công ty.
Hãy chắc chắn rằng bạn đã có những lưu ý chính xác về trình độ và năng lực của ứng viên mà bạn đang tìm kiếm. Điều này sẽ giúp bạn xác định các câu hỏi bạn muốn hỏi, hoặc tốt hơn là các câu trả lời bạn muốn biết.
Hiệu ứng hào quang
Trong buổi phỏng vấn, bạn có thể gặp được những ứng viên tìm việc có lý lịch khiến bạn không nỡ rời tay. Họ có thể có CV hoàn hảo với kỹ năng cùng kinh nghiệm tuyệt vời, hoặc họ có phong thái tự tin hạ gục nhà tuyển dụng tức khắc.
Hào quang của ứng viên này lập tức làm bạn phân tâm khi đánh giá các khía cạnh khác của họ. Bạn thấy rằng kỹ năng giao tiếp hoặc làm việc nhóm của họ bị thiếu, nhưng bạn có thể dễ dàng bỏ qua vì các thế mạnh khác. Vậy là bạn quyết định tuyển dụng ứng viên này và sau đó nhận ra họ không phù hợp với công ty. Hãy nhớ rằng, lựa chọn một người giỏi nhưng không phù hợp có thể gây tổn thất cho công ty của bạn.
Vội vã kết luận
Nhiều nhà tuyển dụng thường quyết định ứng viên sẽ trở thành người phù hợp hay không chỉ trong vài phút đầu tiên của cuộc phỏng vấn. Bạn đang căn cứ vào điều gì để đưa ra xác định đó?
Quá tự tin về khả năng đánh giá chính xác một người nào đó của bản thân, có thể khiến bạn có những quyết định sai lầm. Thay vào đó, hãy là một người biết lắng nghe, thể hiện sự quan tâm, cởi mở của bạn đối với ứng viên.
Đưa ra quyết định chủ quan
Nếu bạn không có hướng dẫn chi tiết về trình độ và năng lực để tìm kiếm và bạn không có kế hoạch đánh giá các câu trả lời, thì bạn rất có thể đưa ra quyết định thiên vị (thậm chí là vô thức).
Ví dụ, đánh giá thấp những ứng viên hay nhảy việc, ứng viên nói chuyện không trôi chảy, ứng viên có khuôn mặt non trẻ vì cho rằng sẽ không đủ tin cậy….
Định kiến về ánh nhìn ban đầu sẽ ảnh hưởng đến sự đánh giá toàn diện và dự đoán của nhà tuyển dụng khi phỏng vấn. Đây là lỗi phỏng vấn ứng viên nên tránh nếu bạn không muốn bỏ qua những “nhân tố bí ẩn” có thể phù hợp với vị trí công việc.
Tìm kiếm tiêu cực
Một số nhà tuyển dụng tiếp cận cuộc phỏng vấn như một cơ hội để phát hiện ra sai lầm hoặc phản ứng kém để loại bỏ một ứng cử viên. Ngay cả khi ứng viên mắc lỗi, bạn phải xem xét toàn bộ hồ sơ của họ trước khi đưa ra quyết định.
Hãy nhớ rằng mọi ứng viên sẽ có điểm mạnh và điểm yếu, nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ không thành công trong công việc. Bên cạnh đó, phạm sai lầm này sẽ làm chậm đáng kể quá trình tuyển dụng của bạn.
Theo đuổi sự hoàn hảo
Nhà tuyển dụng thường đặt ra những hình mẫu lý tưởng nhất cho vị trí tuyển dụng và mong đợi họ sẽ xuất hiện trong buổi phỏng vấn. Thực tế thì không được như vậy.
Bạn sẽ không thể tìm được một ứng viên đáp ứng 10/10 những yêu cầu trong suốt cả buổi phỏng vấn và phải quyết định cấp bách một người để cho đủ. Thay vì theo đuổi sự hoàn hảo với việc “đóng đinh” hình mẫu, hãy thực tế hơn – bạn cần tìm người giỏi nhất trong số những người được phỏng vấn.
Cuộc trò chuyện một chiều
Đừng độc chiếm cuộc nói chuyện khi phỏng vấn ứng viên. Hãy chắc chắn rằng bạn cho ứng viên thời gian để trả lời đầy đủ và đặt câu hỏi ngược trở lại. Một hướng dẫn chung là dành 80% thời gian của bạn để nghe những điều ứng viên chia sẻ và 20 % để nói hoặc hỏi.
Không ghi lại nội dung cuộc phỏng vấn
Nhiều nhà tuyển dụng chưa có kinh nghiệm thường bỏ qua bước ghi chép những thông tin được trao đổi trong buổi phỏng vấn. Sự thật là bạn không thể nhớ hết mọi điều bạn ấn tượng về các ứng viên và nếu không ghi chép, bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều thông tin quan trọng. Bằng cách ghi chú, người phỏng vấn có thể dễ dàng tái tạo lại những gì thực sự diễn ra.
Mọi sự chủ quan đều có thể khiến bạn sai lầm, do đó hãy luôn là một người cẩn trọng trước mọi quyết định, bạn sẽ dễ dàng tìm được người phù hợp nhất với vị trí mà mình đang tìm. Chúc bạn luôn có những cuộc phỏng vấn ứng viên thành công và tìm được người như ý.