Bạn có thường tranh cãi với đồng nghiệp? Bạn bị cho rằng là người rất kiêu ngạo? Bạn khó khăn trong giao tiếp lẫn làm việc nhóm? Bạn không thích chia sẻ, ngại tiếp xúc, ngại nhờ vả? Bạn cho rằng giao tiếp thân thiện là giả tạo và không cần thiết? Nếu có những dấu hiệu trên, rõ ràng bạn đang có “cái tôi” quá lớn. Điều này sẽ ngày càng kéo bạn ra xa khỏi tập thể, trở nên cô độc. Hơn thế nữa, công việc của bạn nếu cần sự phối hợp nhóm hiệu quả sẽ không cao, thậm chí đồng nghiệp không muốn hoặc từ chối làm việc cùng bạn. Hãy cải thiện và sớm gạt bỏ “cái tôi” để không xảy ra những tình huống xung đột với đồng nghiệp bạn nhé? Dưới đây là 6 cách giúp bạn kiểm soát “cái tôi” của mình, hãy cùng tham khảo nhé.
Lắng nghe để tìm ra “nút thắt” xung đột
Chính “cái tôi” của bạn là nguyên nhân dẫn đến xung đột, vì vậy hãy tập lắng nghe ý kiến, suy nghĩ của những người trong cuộc. Khi đã hiểu được mong muốn, nguyện vọng của họ bạn hãy bắt đầu tìm cách để giải quyết xung đột, xóa tan đi sự hiểu nhầm để các thành viên xích lại gần nhau hơn. Luôn đề cao suy nghĩ trong đầu “mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Đừng cố chấp kéo dài xung đột, điều này sẽ không tốt cho bản thân bạn cũng như tập thể. Theo Trưởng phòng Nhân sự công ty tuyển dụng và tìm việc làm thì sau khi mọi chuyện lắng xuống, bạn sẽ thấy mình “xuống nước” là đúng đắn và trong mắt mọi người bạn đã trở nên trưởng thành, gần gũi hơn.
Tự mình đưa ra nhiều tình huống
Khi đã xảy ra xung đột, hãy đưa ra nhiều tình huống, nhiều lựa chọn khác nhau, và những quan điểm riêng biệt để từ đó tìm được một quyết định phù hợp nhất. Khi bạn suy nghĩ, cân nhắc lợi – hại, được – mất, với nhiều tình huống từ nội tâm nghĩa là bạn đang sắp xếp lại suy nghĩ của mình để bình tĩnh, và bỏ được “cái tôi” xuống. Lúc này, hãy thoải mái trình bày trước tập thể để thảo luận tìm hướng giải quyết phù hợp. Các ý kiến khác nhau sẽ chỉ làm cho vấn đề được nhìn nhận đa chiều và hướng giải quyết cuối cùng chắc chắn là tối ưu nhất.
Ngừng “phân bì”, so sánh
Bất kể sự “phân bì” hay so sánh nào cũng đem lại hệ quả riêng của nó và thường là khởi nguồn của mọi xung đột nơi công sở. Nếu lời so sánh này là tích cực sẽ có tác động tích cực, ngược lại nếu là tiêu cực sẽ đem đến hậu quả không tốt. Nếu bạn thầm nghĩ “Nếu là mình thì sẽ làm tốt hơn nhiều”, điều này vô tình tạo nên sự cạnh tranh “ngầm” mà bản thân bạn tự vạch ra. Chắc chắn rồi, khi bạn bắt đầu so sánh từ tâm thức nghĩa là bạn đang thua người đó ở hành động. Hãy nhắc nhở bản thân không ai hoàn hảo, kể cả bạn. Thay vì đi so sánh, hãy suy nghĩ tích cực hơn bằng việc trân trọng và cảm kích những điều mà đồng nghiệp mang lại.
Đừng tìm cách bảo vệ “cái tôi”
Đừng nghĩ về mình quá nhiều, chỉ nên nghĩ về mình khi cần giải quyết điều gì có tính thực tiễn của cuộc sống. Đừng dằn vặt bản thân khi gặp thất bại, đừng ra sức bảo vệ hình ảnh của mình, cũng đừng cố gắng gượng ép bản thân quá nhiều để khẳng định trước người khác vì càng như thế bạn sẽ trở thành một con người khác và càng làm tăng thêm “cái tôi” của bạn.
Từng bước thay đổi cách nhìn nhận sự thất bại và thành công
Nhiều người có cái tôi quá lớn sẽ rất khó khăn trong việc chấp nhận sự thật, đặc biệt là sự thất bại. “Cái tôi” của bạn không cho phép đồng nghiệp đề cập đến sự thất bại đó. Bạn né tránh, sợ hãi, cho rằng người khác đang chế giễu mình. Nhưng bạn nên nhớ “thất bại là mẹ thành công”, đừng vội nản lòng, hãy nghĩ rằng chính đồng nghiệp không phải lấy thất bại của bạn là niềm vui mà họ đang giúp bạn nhìn nhận sự thật để trau dồi kiến thức và kỹ năng. Tất nhiên người chấp nhận sự thật sẽ tìm đến thành công nhanh hơn. Điều này cũng sẽ giúp bạn thay đổi dần tư tưởng về sự thành công. Đơn giản một cái vỗ nhẹ sau lưng, hay lời khen từ đồng nghiệp chính là thành công quý giá mà nhiều khi vì “cái tôi” quá lớn mà bạn không nhận ra. Tất nhiên đừng khoe khoang thành công một cách lố bịch mà hãy chia sẻ nó thật tế nhị với những người xung quanh, điều này cũng sẽ góp phần gắn kết mối quan hệ đồng nghiệp được tốt hơn.
Đặt mình ở vị trí người khác
Trong mọi tình huống, biết đặt mình vào vị trí người khác để suy xét sẽ luôn giúp bạn có cách ứng xử phù hợp kể cả trong công việc và cuộc sống. Nếu có mâu thuẫn, việc đặt mình ở vị trí người khác sẽ sớm giúp bạn tìm ra “nút thắt” ở đâu để có cách tháo gỡ thích hợp.
“Cái tôi” chính là bản ngã của mỗi người. Điều này không có nghĩa là khuyên bạn đừng tin vào bản thân mình quá nhiều, mà bạn hãy đánh giá mọi việc từ bên ngoài một cách khách quan. Bạn có cái tôi, đồng nghiệp bạn cũng có điều đó. Song, bản thân bạn phải tự mình thay đổi suy nghĩ theo chiều hướng tích cực trước khi muốn người khác thay đổi theo ý mình. Mối quan hệ nơi công sở mang tính chất lâu dài, tác động không chỉ với cá nhân nào mà còn là đến cả tập thể, cũng như là xã hội, vì vậy việc gạt bỏ “cái tôi” là cần thiết để mọi việc được suôn sẻ. Chúc bạn thành công trên hành trình chiến thắng bản thân mình!
Mai Hương