Nhiều người than phiền hay bị hồi hộp, tim đập nhanh, hai chân tê bì, yếu cơ, đi lại khó khăn tưởng mắc bệnh lý thần kinh, cơ xương khớp, tình cờ xét nghiệm máu mới biết kali máu giảm thấp.
Người đàn ông 33 tuổi công tác trong quân đội có tiền sử khỏe mạnh nhưng đột nhiên mệt mỏi, tức ngực kèm tê bì, co rút cơ 2 chân, yếu liệt không đi nổi... sau buổi rèn luyện thể lực. Kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho thấy anh bị hạ kali máu mà không hề biết.
Triệu chứng hạ kali máuHạ kali máu là rối loạn điện giải rất thường gặp. Ở cơ thể khỏe mạnh, tình trạng này bù trừ được, nhưng hạ kali máu nặng có thể đe doạ tính mạng.
"Đối với bệnh nhân tim mạch, hạ kali máu làm tăng tỷ lệ tử vong", bác sĩ chuyên khoa 1 Lưu Thúy Quỳnh, Khoa Nội tiết, Bệnh viện 108 (Hà Nội), cho hay.
Kali máu mức bình thường trong giới hạn từ 3,5-5,5 mmol/l, nếu dưới 3,5 mmol/l được coi là hạ kali máu. Khi hạ ở mức độ vừa tới nặng (từ 3 - 2,5 mmol/l), bệnh nhân có thể gặp một số triệu chứng như: cảm giác mệt mỏi, đau cơ, yếu cơ.
Nếu kali máu ở mức dưới 2 mmol/l, các tình trạng nặng có thể xuất hiện như tiêu cơ vân, liệt tứ chi hoặc các triệu chứng rối loạn cơ vòng như bí tiểu, liệt ruột và cuối cùng là ngừng thở. Người có bệnh lý tim mạch, hạ kali máu mức độ vừa (3-3,5mmol/l) đã có thể nhanh chóng gây các rối loạn nhịp.
Nhiều người biết cơ thể bị hạ kali máu thông qua xét nghiệm máu tình cờ. Ảnh: Võ Thu
Nhiều người bệnh than phiền hay bị hồi hộp, nhịp tim nhanh, hai chân thường bị yếu, đi lại khó khăn, tình cờ xét nghiệm máu mới biết kali máu giảm thấp. Thực tế, triệu chứng hạ kali dễ nhầm lẫn với bệnh lý thần kinh, cơ xương khớp.
Nguyên nhân thường gặp gây hạ kali máu
Hạ kali máu bao gồm ba nhóm nguyên nhân chính: Do sự dịch chuyển kali qua màng tế bào; thiếu cung cấp kali và do mất kali.
Tình trạng chán ăn hoặc chế độ ăn giàu carbonehydrate kết hợp với lạm dụng rượu là nguyên nhân phổ biến của việc hạ kali máu do nguyên nhân dinh dưỡng. Tuy nhiên, thường gặp nhất là hạ kali do mất quá nhiều kali qua thận và đường tiêu hóa, thường đi kèm với mất nước nặng làm mất kali ra khỏi cơ thể. Điển hình là hậu quả của nôn và tiêu chảy.
Tình trạng này cũng có thể xảy ra ở vận động viên, người lao động quá sức bị đổ mồ hôi nhiều. Một số thuốc cũng có thể thúc đẩy thải trừ kali ra khỏi cơ thể, bao gồm thuốc lợi tiểu, nhuận tràng.
Để phòng thiếu kali, bác sĩ khuyên nên tránh các hoạt động thể chất nặng, kéo dài. Lao động trong thời tiết nắng nóng cần bù đủ nước điện giải, nghỉ ngơi hợp lý; Bù đủ lượng kali mất đi hằng ngày ở những bệnh nhân tiêu chảy hoặc tiểu nhiều do dùng thuốc lợi tiểu.
Ngoài ra, luôn dùng thuốc theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt là các thuốc lợi tiểu, nhuận tràng; cần có chế độ dự phòng và theo dõi kali khi dùng những thuốc này.
Thực phẩm quen thuộc chứa nhiều kali
Người trưởng thành khỏe mạnh từ 16 tuổi trở lên cần khoảng 4.700mg kali mỗi ngày. Ở lứa tuổi nhỏ hơn, nhu cầu này ít hơn. Người mắc tăng huyết áp, tim mạch, cường aldosterone hay thường xuyên ăn đồ chế biến sẵn, ít rau củ và trái cây... là nhóm có khả năng thiếu kali và buộc phải bổ sung kali vào khẩu phần ăn hằng ngày để đủ nhu cầu.
Ở những bệnh nhân với mức hạ kali máu vừa và không có tiền sử bệnh lý tim mạch, chế độ ăn giàu kali thường đáp ứng tốt. Nếu tình trạng hạ kali máu kéo dài, bổ sung thuốc là cần thiết.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển - Uông Bí (Quảng Ninh), bột đậu xanh, đậu tương, quả vải khô, mực khô, khoai tây, nghệ khô, củ cải trắng khô... là nhóm thực phẩm có chứa kali nhiều nhất (từ 1.000 đến gần 3.50mg/lạng).
Trong khi đó, mỗi lạng rau dền cơm, mộc nhĩ hay ngải cứu chứa 700-800mg kali. Các loại rau cải xanh, lá lốt, rau dền đỏ, ngó sen, rau mùi, rau khoai lang, rau diếp cá, mít, sầu riêng, cá ngừ, cá thu, gan lợn... cũng là thực phẩm có nhiều kali.
Quả bơ vỏ xanh, chuối tiêu, kiwi hay thịt bò, thịt lợn... cung cấp khoảng 300mg kali trong mỗi 100g thực phẩm.
Rước bệnh hiểm loanh quanh chuyện ăn rau quả mỗi ngàySau đại dịch, lượng người tới khám, than phiền các vấn đề tiêu hoá gia tăng mạnh. Ngoài vấn đề về sử dụng thuốc, tâm lý, stress, nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm chỉ vì sai lầm trong bổ sung chất xơ.
Bình luận