Những sai lầm khiến bạn không được sếp đánh giá cao

05/02/2020 10:38

Bạn là một nhân viên có năng lực, luôn hoàn thành tốt những nhiệm vụ sếp giao. Nhưng, bạn chưa bao giờ được đánh giá cao, cơ hội thăng tiến cũng không thuộc về bạn. Theo các chuyên gia nhân sự, nếu bạn đã nỗ lực trong thời gian dài nhưng vẫn không được sếp công nhận, có thể bạn đang phạm những sai lầm dưới đây. 

logo-1

Bạn quá khiêm tốn 

Bạn đang làm tốt công việc của mình. Năng lực và kinh nghiệm bạn có, bằng cấp cũng không thua kém ai. Bạn hy vọng rằng mình sẽ là người được chọn cho vị trí thăng tiến mới và sẽ chẳng ai khác phù hợp với nó hơn bạn. 

Nhưng thực tế là, những người đồng nghiệp, dù năng lực kém hơn bạn vài phần đã giành lấy cơ hội thăng tiến đó. Không hẳn vì sếp thiên vị họ hơn bạn, mà nhiều khả năng vì họ thể hiện bản thân tốt hơn. 

Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng CareerLink chia sẻ, thể hiện bản thân trong công việc không phải là phô trương. Lãnh đạo là những người luôn bận rộn “trăm công nghìn việc” và họ phải quản lý một đội ngũ đông đảo chứ không phải chỉ một vài con người. Vì thế nếu bạn không tự làm mình nổi bật, chứng minh năng lực của bản thân thì việc bạn bị “bỏ quên” cũng là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, ngoài năng lực chuyên môn, thì người quản lý cũng cần khả năng thu hút sự chú ý để có thể thuyết phục đội ngũ. Do đó nếu bạn chưa biết cách “tỏa sáng” thì sếp sẽ không đánh giá cao và cất nhắc bạn đâu! 

Bạn không thật sự “hết mình” với công việc.

Bạn chấp hành đúng tất cả quy tắc của công ty, bạn đi làm và ra về đúng giờ, tác phong chuyên nghiệp…Nhưng, tất cả điều này chỉ giúp bạn đảm bảo và duy trì công việc của mình, không chứng minh được rằng, bạn thật sự có niềm đam mê với công việc và cống hiến vì nó. Hãy nhiệt tình đề xuất những ý tưởng sáng tạo mới, hoàn thành công việc tốt vượt tiến độ, mang lại kết quả với hiệu quả vượt bậc cho công ty và không ngại làm thêm giờ nếu cần. Chính sự nhiệt tình là yếu tố quan trọng để sếp công nhận được sự cố gắng của bạn và là cơ hội để tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp. 

Bạn chưa có tác phong chuyên nghiệp

Mặc dù có năng lực nhưng bạn lại thường mắc một số lỗi nhỏ do tính “bộp chộp”, thiếu cẩn thận. Ví dụ, những lỗi về trình bày hoặc lỗi chính tả trong các email quan trọng gửi đến khách hàng, một bản kế hoạch được trình sếp với lỗi nhỏ về format, buổi họp được thông báo trước đó nhưng bạn vẫn trễ giờ… Tất cả những điều này chính là điểm trừ rất lớn về năng lực và thái độ làm việc của bạn. 

Ngoài ra, đừng để sếp bắt gặp bạn vào những lúc đang mãi miết cắm cúi vào chiếc điện thoại trong giờ làm việc và nhất là trong giờ họp.

Cũng đừng bao giờ chọn công ty là nơi để gặp gỡ và tán dóc với đồng nghiệp về những chuyện ngoài lề trong cuộc sống. Cho dù bạn đã hoàn thành tốt công việc của mình, nhưng nên nhớ những người khác vẫn phải làm việc của họ, bạn nên tôn trọng không gian chung của tất cả mọi người và không làm phiền đến những người còn lại kể cả sếp.

Mối quan hệ của bạn với đồng nghiệp không tốt

Trong môi trường công sở, sự hòa đồng và gắn kết giữa nhân viên với nhau là yếu tố quan trọng, không chỉ góp phần thúc đẩy công việc phát triển mà còn thêm điểm cộng cho văn hóa doanh nghiệp. 

Do đó nếu bạn không được đánh giá cao bởi nhiều người trong nhóm của mình, thì dù có năng lực bạn vẫn sẽ gặp khó khăn trên con đường thăng tiến. Tất nhiên, nếu như bạn được thăng chức và những cấp dưới của bạn không nghe lời, rất khó để họ hợp tác hoàn thành tốt công việc. Đương nhiên, khi mà không ai xung quanh bạn tỏ vẻ tâm phục khẩu phục với vị trí bạn xứng đáng nhận được thì sếp cũng sẽ cân nhắc thật kỹ trước khi giao nó cho bạn

Vậy nên, hãy nghiêm túc nhìn lại bản thân và cố gắng tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với các đồng nghiệp của mình. Chỉ khi đó, cơ hội thăng tiến mới mở rộng với bạn. 

Bạn quá tự cao   

Dấu hiệu để nhận thấy điều này chính là bạn luôn từ chối tất cả những công việc nhỏ nhặt sếp giao, mà bạn cảm thấy nó không đúng với năng lực chuyên môn của mình. Bạn cho rằng những công việc như chuẩn bị tài liệu cho bài thuyết trình, giúp sếp gửi một vài công văn, thư từ… là công việc “lặt vặt” dành cho những người mới vào nghề hoặc yếu kém. Tuy nhiên, bạn đã hoàn toàn sai lầm. Bạn sẽ không được đánh giá cao và nhận được cơ hội thăng tiến nếu như đến cả những việc nhỏ nhất bạn cũng không sẵn sàng thực hiện. Thay vì trốn tránh những công việc như thế, nếu có thể bạn hãy chứng tỏ cho sếp thấy rằng, bạn sẵn sàng làm bất cứ mọi việc dù nhỏ nhặt và thực hiện chúng một cách có trách nhiệm nhất, vì lợi ích chung của tập thể. 

Minh Minh

Những sai lầm khiến bạn không được sếp đánh giá cao - Giáo Dục