Sáng 28/9 tại Hà Nội, Hội KHHGĐ Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giải quyết vấn đề mang thai ngoài ý muốn ở Việt Nam” với sự góp mặt của đông đảo lãnh đạo các Bộ, ban ngành và các chuyên gia trong nước, quốc tế.
Toàn cảnh hội thảo “Giải quyết vấn đề mang thai ngoài ý muốn ở Việt Nam”
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Phạm Bá Nhất - Chủ tịch Hội KHHGĐ Việt Nam cho biết, trong báo cáo tham luận của chuyên gia Liên đoàn KHHGĐ Quốc tế (IPPF) về “tình hình SKSS ở thanh thiếu niên tại Việt Nam” đã đề cập đến tình trạng mang thai ngoài ý muốn ở phụ nữ 15-49 tuổi, VTN/TN 15-19 tuổi và cho rằng tỷ lệ phá thai ở Việt Nam vẫn trong nhóm nước có tỷ lệ phá thai cao nhất trong khu vực và thế giới; đồng thời cũng xác nhận Việt Nam đạt tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại cao nhất trong khu vực.
“Mang thai ngoài ý muốn và mang thai ở VTN/TN là vấn đề rất đáng lo ngại ở Việt Nam cần được thảo luận để chúng ta có thể bổ sung cho báo cáo thực trạng và Dự thảo khuyến nghị về Chương trình hành động Quốc gia đối với mang thai ngoài ý muốn và mang thai ở VTN/TN đến năm 2030”, PGS.TS Phạm Bá Nhất nói.
PGS.TS Phạm Bá Nhất - Chủ tịch Hội KHHGĐ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Cụ thể, chia sẻ tại Hội thảo, ông Brayant Gonzales – chuyên gia IPPF dẫn chứng trong nghiên cứu của Guttmacher tại Việt Nam, tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn đã giảm 24% trong giai đoạn 1990 - 1994 và 2015 - 2019, nhưng xu hướng này bao gồm bước giảm 31% vào giai đoạn 2005 - 2009, sau đó lại tăng lên 10%. Trong cùng thời kỳ, tỷ lệ phá thai đã giảm 11%, đầu tiên giảm 23% ở giai đoạn 2005 - 2009 và sau đó tăng 16% vào giai đoạn 2015-2019. Tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn dẫn đến phá thai tăng từ 64 lên 75%.
Thậm chí, một cuộc khảo sát do Tổng cục Thống kê Việt Nam thực hiện năm 2016 cho thấy có sự xuất hiện của các cuộc “phá thai bí mật” và 70% các ca phá thai đó “liên quan đến thanh thiếu niên từ 13 đến 19 tuổi”.
Ông Brayant Gonzales – chuyên gia IPPF
“Theo trích dẫn từ Trung tâm Tư vấn Sức khỏe, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, ngày nào cũng có các bạn nữ trẻ đến để phá thai. Những bạn nữ này thường đã mang thai hơn 12 tuần, khiến thủ thuật phá thai trở nên xâm lấn hơn và có hại cho sức khỏe sinh sản của họ”, ông Brayant Gonzales nói.
Cũng tại Hội thảo, TS. Đinh Huy Dương - Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số - KHHGĐ (Bộ Y tế) cho biết, xu hướng phá thai tại Việt Nam đang giảm. Tỷ lệ phá thai chung giảm từ 13 ca/1.000 phụ nữ năm 2001 xuống còn 3 ca/1.000 phụ nữ năm 2023. Còn theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, số ca được báo cáo giảm từ 250.560 ca (năm 2012) xuống còn 134.101 ca (năm 2022).
Tuy nhiên, đa số các trường thợp phá thai đều được thực hiện từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 7 của thai kỳ (72,6 %) trong khi chỉ có 12,1% ca phá thai có tuổi thai dưới 4 tuần và 8,7% có tuổi thai từ 8 đến 11 tuần tuổi. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ số thai được phá thai ở tuần từ 12-15 (2,4 %) hoặc từ tuần 16 trở lên (4,2 %).
TS. Đinh Huy Dương - Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số - KHHGĐ (Bộ Y tế)
Theo TS. Đinh Huy Dương, mang thai và phá thai là những vấn đề nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người phụ nữ, đặc biệt ở tuổi vị thành niên.
“Mang thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên có thể có những hậu quả nghiêm trọng về mặt thể chất, tinh thần và tài chính.
Còn nếu như trẻ ở tuổi vị thành niên phá thai có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như sức khỏe kém, có thể gây ra các biến chứng như nhiễm trùng, chảy máu, đau đớn và thậm chí tử vong; phá thai có thể gây ra nhiều căng thẳng, lo lắng, trầm cảm và thậm chí là rối loạn tâm thần; phá thai có thể làm tăng nguy cơ vô sinh, sảy thai và sinh non ở những lần mang thai sau này….”, TS. Đinh Huy Dương khuyến cáo.
Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận, đưa ra nhiều nguyên nhân dẫn tới mang thai và phá thai ở VTN/TN và đưa ra các định hướng, giải pháp trong vấn đề này nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn,...
Thúy Ngà